Khớp gối là khớp lớn và có cầu tạo phức tạp nhất cơ thể. Sự kết nối giữa các thành phần của khớp giúp khớp hoạt động trơn tru phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt và vận động hàng ngày. Chính vì chịu trọng lực nhiều nên khớp gối rất dễ tổn thương. Chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về khớp gối và các bệnh thường gặp qua bài viết sau đây:
Cấu tạo của khớp gối
Khớp gối là khớp trung tâm, được tạo nên bởi 3 xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè kết hợp với hệ thống gân, cơ, dây chằng, bao khớp và sụn khớp. Đây được coi là khớp có cấu tạo phức tạp nhất của cơ thể.

Về chi tiết, cấu tạo khớp gối bao gồm:
- Hệ thống xương gồm xương lồi cầu đùi, mâm chày và xương bánh chè.
- Lớp sụn: gồm sụn chêm và sụn hyaline
- Hệ thống dây chằng bên: gồm dây chằng bên trong và dây chằng bên ngoài, nằm phía ngoài gối có tác dụng cho khớp ổn định khi thực hiện các động tác xoay, xoắn vặn.
- Hệ thống dây chằng chéo: gồm dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau tạo với nhau hình chữ X. Các dây chằng này có tác dụng giữ cho các thành phần của khớp gối không bị trước hay ra sau khi hoạt động.
Khớp gối lại được chia thành 2 khớp nhỏ:
- Khớp xương bánh chè: kết nối giữa xương đùi và xương bánh chè
- Khớp xương chày: kết nối giữa xương chày và xương đùi.
Xung quanh các khớp nhỏ này là chất lỏng bao hoạt dịch nằm trong màng hoạt dịch (bao khớp) có tác dụng bôi trơn khớp, giúp khớp hoạt động trơn tru, linh hoạt.
Chức năng khớp của khớp gối
Gối là một trong những khớp quan trọng nhất đảm bảo chức năng vận động của cơ thể nhờ vào cấu trúc phức tạp và sự liên kết chặt chẽ của những bộ phận bên trong mà khớp gối đảm nhận những chức năng quan trọng cụ thể như sau:
-Đầu tiên phải kể đến đó là chức năng nâng đỡ cơ thể: gối chính là nơi đảm nhận nhiệm vụ nâng đỡ và thực hiện chức năng đi lại, vận động của cơ thể. Khớp gối là nơi chịu áp lực của trọng lượng cơ thể, khớp gối hoạt động bình thường giúp cơ thể có thể đi lại, đứng ngồi, thực hiện các chức năng vận động một cách bình thường.

-Khớp gối giúp chân có thể duỗi ở tầm vận động từ 1-2 độ và gấp ở tầm 130-145 độ.
-Giúp đảm bảo sự xoay chuyển linh hoạt và sử dụng đầu gối để chuyển động theo nhiều hướng phù hợp với các chuyển động linh hoạt của cơ thể.
-Duy trì hoạt động linh hoạt của cơ thể như chạy nhảy, đi bộ, đứng, ngồi, gấp duỗi chân.
Các bệnh thường gặp ở khớp gối
Ngày nay các bệnh về khớp gối dần trở nên phổ biến và phân hóa ở nhiều độ tuổi khác nhau. Sau đây là một vài căn bệnh điển hình ở khớp gối.
Thoái hóa khớp gối
Ngày nay, thoái hóa khớp gối là bệnh lý xương khớp thường gặp nhất và đang có xu hướng trẻ hóa. Biểu hiện bởi sự biến đổi bề mặt sụn khớp làm thay đổi bề mặt khớp tạo nên các gai xương và hình thành nên biến đổi khớp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối mà chủ yếu là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, đây là nguyên nhân khách quan mặc dù biết trước cũng không thể ngăn chặn được. Ngoài nguyên nhân trên thì còn một vài nguyên nhân khác dẫn đến thoái hóa khớp gối như: gặp phải chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp dẫn đến gãy xương, lệch xương. Gặp phải những yếu tố bẩm sinh như: khớp gối quá ưỡn, gối vẹo trong, gối vẹo ngoài, biến dạng bàn chân…Thoái hóa khớp gối sau khi bị viêm: viêm khớp dạng thấp, lao khớp,... Ngoài ra thoái hóa khớp gối thường gặp ở những người có công việc lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, do tính chất công việc đòi hỏi phải đứng lâu hoặc ngồi im một chỗ và người béo phì khiến cho khớp gối phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể lớn dễ dẫn đến thoái hóa hơn những người bình thường khác.

Triệu chứng mà chúng ta dễ nhận thấy nhất là đau khớp gối, khớp gối sưng, đỏ, cứng, tràn dịch khớp gối và có thể biến dạng khớp gối. Tùy vào mức độ và tình trạng thoái hóa mà có những hướng giải quyết sao cho phù hợp nhất. Cách điều trị tốt nhất là sử dụng thuốc kết hợp với vật lí trị liệu sẽ có kết quả tối ưu nhất. Với những trường hợp nặng việc điều trị nội khoa không có tác dụng thì phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, có thể thay bán phần hoặc toàn phần.
Tổn thương dây chằng chéo trước
Tổn thương dây chằng chéo trước rất thường gặp ở khu vực gối. Nguyên nhân thường gặp dẫn đến tổn thương kiểu này là do những chấn thương trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như: va đập mạnh đầu gối khi xảy tai nạn giao thông, ngã đập đầu gối hoặc một số tư thế sai của xương đùi, xương chày quanh gối.
Triệu chứng chính mà ta dễ thấy nhất là đau vùng gối, lỏng gối, có thể là rách một phần hoặc đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước. Thông thường để nhận biết tổn thương này bạn cần đến cơ sở y tế để khám và chụp phim cộng hưởng từ để có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất cho tổn thương dây chằng chéo trước.

Có hai cách điều trị đó là điều trị bảo tồn và phẫu thuật, tùy vào mức độ của tổn thương để đưa ra cách điều trị phù hợp nhất. Điều trị phẫu thuật là phương pháp nội soi tái tạo dây chằng chéo trước bằng những dải gân cơ trong cơ thể, ví dụ: gân xương bánh chè, gân cơ tứ đầu, bốn dải cơ thon – bán gân.Vật lí trị liệu cũng là phương pháp được nhiều người lựa chọn vì hiệu quả mà nó mang lại, đây là phương pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi cho những tổn thương dây chằng chéo trước.
Viêm bao hoạt dịch đầu gối
Đối tượng mà dễ bị mắc bệnh này đó là vận động viên thể thao hay người lao động chân tay nhiều. Viêm bao hoạt dịch đầu gối là tình trạng bao hoạt dịch ở khớp gối bị viêm không do nhiễm khuẩn. Những dấu hiệu thường gặp đó là: Cảm thấy sưng, nóng, đỏ, đau khi bị đè lên khớp gối cơn đau này xuất hiện khi di chuyển, nếu bệnh trở nặng cơn đau sẽ đến thường xuyên kể cả khi nghỉ ngơi. Tùy vào mức độ của bệnh để vạch ra những phương pháp thích hợp nhất.

Cấu tạo của khớp gối và các bệnh thường gặp - bài viết đã cung cấp đủ thông tin về vấn đề này. Nếu các bạn mắc phải những bệnh về khớp gối hãy đi khám để tránh những biến chứng nguy hiểm nhé!